Chuối ngự món chuối để dành tiến vua
Chuối ngự trổ buồng quanh năm. Thân cây chuối cao chừng 2,5m, giòn, dễ gãy, nên cần cột chống lúc ra buồng. Sung sức thì mỗi buồng có thể đạt 20 nải. Chuối ngự đậu quả, người ta ít khi để chín cây, mà rấm / giấm / dấm / giú / dú trong lu, khạp, lò đất vuông, gần đây còn dùng máy Etylene Generator.
Từ lâu, tôi đã nghe những người gốc gác Nam Định xuýt xoa ca ngợi: Đọc thơ Xương, ăn chuối Ngự. Nghĩa là cuộc đời có những thứ quá đỗi tuyệt vời dành cho chúng ta, mà 2 thứ này chính hiệu Nam Định: thơ Trần Tế Xương / Tú Xương (1870 – 1907) và quả chuối được dân chúng phủ / lộ / thừa tuyên Thiên Trường thuở xưa tiến vua dùng. Nhà văn Nguyễn Tuân (1910 – 1987) diễn giải: “Tỉnh Nam là đất cũ của vua nhà Trần, cung nữ đời Trần có truyền thống lao động, cái giống chuối thành ra tên là ngự ấy không biết có dính gì đến những bàn tay cung nữ nhà Trần không? Chỉ biết rằng cả thiên hạ đều khen chuối ngự Nam Định là ngon thơm, và lành. (…) Nếu muốn thưởng thức cái thật ngọt thật lành, ngọt lành đến cái mức gái đẻ ngày xưa cũng không nỡ kiêng khem, thì xin mời nếm chuối ngự, còn mà muốn nếm sang cái vị chua mặn, mặn chát đi như ruộng đồng biển Nam Định, thì xin mời nếm vào thơ Tú Xương thành Nam chúng tôi!”
Chuối ngự có lắm loại. Hảo hạng là chuối ngự thóc / chuối ngự mít / chuối ngự tía, quả tuy bé bằng ngón tay cái (dài 6 ~ 8cm với đường kính 1,5 ~ 2cm) nhưng dáng đẹp, màu xinh, có 3 chiếc tua vươn dài cong cong như râu rồng, vỏ mỏng, thịt vàng-thơm-ngọt-ngon-lành. Cây chuối ngự ưa sinh trưởng ở vùng phù sa, giàu dinh dưỡng, đủ độ ẩm, dễ thoát nước. Chuối ngự trổ buồng quanh năm. Thân cây chuối cao chừng 2,5m, giòn, dễ gãy, nên cần cột chống lúc ra buồng. Sung sức thì mỗi buồng có thể đạt 20 nải. Chuối ngự đậu quả, người ta ít khi để chín cây, mà rấm / giấm / dấm / giú / dú trong lu, khạp, lò đất vuông, gần đây còn dùng máy Etylene Generator.
Tôi nhiều lần xơi chuối ngự ở nhiều nơi. Song đáng nhớ nhất là cuối tháng 8, đầu tháng 9-2007, biết tôi từ Sài Gòn ra Huế công tác, giáo viên kiêm thi sĩ Trần Nam Xuyên từ Nam Định liền cẩn thận đóng thùng mấy buồng chuối ngự đem vào miền Hương Ngự tặng biếu với dăm lời phi lộ:
– Chuối ngự Nam Định do gọi mãi thành quen, chứ Hà Nam mới chính là quê quán giống cây quả này. Vườn của nhà văn Nam Cao tại làng Đại Hoàng ở tỉnh Hà Nam đang được đầu tư để tạo thành vườn ươm giống chuối ngự thơm ngon nhất nước. Do đó, muốn chính xác, phải nói chuối ngự Đại Hoàng, tắt hoá thành chuối ngự Nam.
Tôi cười:
– Hậu tố Nam kia là trấn Sơn Nam gọi gọn.
Lật Sổ tay địa danh Việt Nam của Đinh Xuân Vịnh (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội tái bản, 2002) ra tra cứu, mọi người được biết rằng năm 1541, trấn Sơn Nam chia làm 2 lộ Sơn Nam Thượng và Sơn Nam Hạ. Năm 1823, đổi Sơn Nam Thượng là Sơn Nam, Sơn Nam Hạ là Nam Định. Năm 1831, chia các trấn Sơn Nam và Nam Định thành 3 tỉnh Hà Nội, Hưng Yên và Nam Định.
Trần Nam Xuyên thắc mắc:
– Vậy tỉnh Hà Nam được thành lập bao giờ?
Để giải đáp chóng vánh câu hỏi nọ, tôi bật máy tính. Website của UBND tỉnh Hà Nam cho biết: “Ngày 20-10-1890, tỉnh Hà Nam chính thức được thành lập. Đất đai tỉnh Hà Nam gồm đất phủ Liêm Bình, 17 xã của huyện Vụ Bản, Thượng Nguyên (thuộc tỉnh Nam Định), 2 tổng Mộc Hoàn, Chuyên Nghiệp thuộc huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Nội (cho nhập vào huyện Duy Tiên) và 2 huyện cũ là Duy Tiên, Kim Bảng của phủ Lý Nhân.”
Làng Đại Hoàng hiện cách TP. Nam Định chỉ 8km. Nằm ở ngã ba Tuần Vương, ven bờ sông Châu và sông Hồng, làng chiêm trũng Đại Hoàng xuất hiện với tên làng Vũ Đại trong truyện ngắn Chí Phèo do Nam Cao tức Trần Hữu Trí (1917 – 1951) sáng tác vào tháng 2-1941. Làng ấy trước thuộc tổng Cao Đà, huyện Nam Xang, tỉnh Hà Nam, nay thuộc xã Hoà Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Suốt nhiều năm liền, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam phối hợp với Đại học Nông nghiệp Hà Nội vận động 80 hộ dân làng Đại Hoàng triển khai thực hiện Bảo tồn gène chuối ngự Đại Hoàng. Đó là một hoạt động của dự án Xây dựng mô hình bảo tồn và phát triển quỹ gène cây ăn quả bản địa quý hiếm nhằm góp phần bảo vệ và phát triển bền vững hệ sinh thái nông nghiệp đặc trưng vùng chiêm trũng có tác động quy luật của nước lũ sông Hồng hằng năm tại huyện Lý Nhân – Hà Nam do Viện Nghiên cứu hợp tác khoa học kỹ thuật châu Á – Thái Bình Dương xây dựng, đề xuất và được Chương trình Tài trợ dự án nhỏ của Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF/SGP – UNDP) đồng ý giúp ngân khoản. Xã Hoà Hậu trồng chuối ngự trên diện tích 20 ha, phấn đấu quyết nâng lên 25ha vào năm 2010.
Chu Mạnh Cường viết trong bài Thơm Đại Hoàng chuối ngự rằng: “Chuối ngự nhiều vitamin C, B1, B12, A, D và E, canxi, sắt, magiê. 100 gam chuối tươi chứa 99 calo, 100 gam chuối khô chứa 185 calo. Khoa học đã xác định ăn chuối tươi thông minh, mắt sáng, da hồng, ngăn ngừa thiếu máu, chữa sỏi thận, bệnh tiểu đường, cảm nóng phát cuồng, táo bón. Chuối xanh nấu với sữa chữa tiêu chảy. Chuối chín trộn bơ chữa bệnh rong kinh phụ nữ. Chuối sấy khô chữa hoại huyết. Rễ chuối chữa bướu cổ”.
Trần Nam Xuyên trố mắt ngạc nhiên khi nghe tôi bảo:
– Thừa Thiên – Huế cùng một số tỉnh thành ở miền Trung và miền Nam nước ta lâu nay cũng trồng chuối ngự.
Từ điển tiếng Huế của Bùi Minh Đức (NXB Tâm An, California, 2001 – NXB Văn Học tái bản, Hà Nội, 2004 & 2009) cho hay: “chuối ngự tức chuối Đồng Nai, còn gọi là chuối cau Quảng, một thứ chuối thường thấy ở Huế.” Tập 1 Từ điển bách khoa Việt Nam (NXB Từ điển bách khoa, Hà Nội, 1995) cũng thừa nhận chuối ngự có tên khác là chuối cau Quảng.
Qua bài Chuối ngự, Hoài Phương khẳng quyết: “Chuối ngự chỉ có 2 loại. Chuối ngự trâu, quả to, loại này không có gì đặc sắc. Nổi tiếng chỉ có loại chuối ngự thóc, còn gọi là chuối ngự mít, vì ruột nó màu vàng sẫm như múi mít chín, khi chín kỹ, vỏ lốm đốm những chấm nâu hồng, nên nhiều người còn gọi là chuối ngự tía”.
Thực tế, chủng chuối ngự có ít nhất cũng 4 loại. Cùng với chuối ngự mít và chuối ngự trâu, còn thêm chuối ngự cau và chuối ngự mốc mà Nguyên Khê đã phản ánh trên báo Nông nghiệp Việt Nam ngày 3-12-2009. Nguyên Khê còn ghi nhận rằng chuối ngự cau và chuối ngự mốc được trồng từ Thanh Hoá đến Thừa Thiên – Huế, trước kia từng được dâng vua nên cả 2 giống đều mang tên chuối tiến.
Chuối ngự ở Huế còn được gọi chuối cau Quảng và chuối Đồng Nai. Gọi thế rất hợp lý, vì từ lâu, các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Đồng Nai đã trồng giống cây ăn quả này. Mà đó là loại gì?
Gặp tôi bên bờ sông Sài Gòn, Thanh Ngân – nữ giáo viên Sinh vật, người gốc Hà Nam, hiện công tác tại Đồng Nai – chúm chím:
– Xét hình dáng, màu sắc, hương vị, có thể kết luận: chuối cau Quảng ở Đồng Nai chính là chuối ngự thóc / chuối ngự mít / chuối ngự tía ở Hà Nam và Nam Định. Cây chuối ngự thích hợp đất phù sa sét pha cát. Dải đất ven các sông Đồng Nai, La Ngà, Lá Buông, Ray, Xoài, v.v., đáp ứng tốt điều ấy. Ở miền Nam nhờ thời tiết quá thuận lợi nên thu hoạch chuối ngự quanh năm. Chuối ngự ở miền Bắc thường được tập trung thu hoạch vào dịp Trung Thu và áp Tết.
Chuối ngự – đặc sản tuyệt vời về sắc, hương, vị, là món quà ẩm thực thơm ngọt ngon bổ dưỡng thấm đẫm ân tình của con người Việt Nam. Một mai, với sự gia tăng sản xuất và mở rộng địa bàn tiêu thụ, chuối ngự sẽ được chế biến thành các sản phẩm như mứt, nước ép, v.v., để cung ứng cho đông đảo bè bạn khắp nơi trên thế giới.
Leave a Reply