Đặc sản bánh gai làng Mía sản vật tiến vua
Ngày nay, ở làng Mía nói riêng nhiều nơi khác của huyện Thọ Xuân vẫn giữ được nghề làm bánh gai. Hằng năm, cứ đến ngày giỗ của hai vị anh hùng dân tộc Lê Lai và Lê Lợi người dân khắp vùng Thọ Xuân làm bánh gai dâng trong mâm lễ vật.
Huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) là vùng đất linh thiêng nằm bên dòng sông Chu nổi tiếng với nhiều đặc sản như: chè sánh, chè lược, cá rô Đầm Sét, nem nướng… Trong những đặc sản trên, bánh gai ở làng Mía, xã Thọ Diên là một trong những món ngon nổi tiếng xưa kia dùng để tiến vua.
Là loại bánh làm từ nông sản nhưng bánh gai làng Mía có được hương vị thơm ngon đặc trưng nhờ vào bí quyết gia truyền. Để làm ra chiếc bánh gai, phải bỏ ra nhiều công sức từ việc chọn những hạt gạo nếp ngon rồi giã nhỏ, sau đó trộn với mật mía.
Màu chủ yếu của chiếc bánh gai là màu đen của nước lá gai hòa quyện vào bột nếp tạo nên màu đen sánh. Nhân bánh được làm bằng đậu xanh giã nhuyễn, dừa hoặc thịt lợn. Sau khi nhào nặn bột nếp lá gai rồi cho nhân vào bên trong, bánh gai được gói lại bằng lá chuối khô… Sự công phu, tỉ mỉ trong từng công đoạn tạo cho chiếc bánh gai làng Mía ngon có tiếng ở xứ Thanh. Chính vì thế, xưa kia bánh gai làng Mía được chọn làm sản vật dâng tiến vua.
Ngày nay, ở làng Mía nói riêng nhiều nơi khác của huyện Thọ Xuân vẫn giữ được nghề làm bánh gai. Hằng năm, cứ đến ngày giỗ của hai vị anh hùng dân tộc Lê Lai và Lê Lợi người dân khắp vùng Thọ Xuân làm bánh gai dâng trong mâm lễ vật.
Mỗi dịp Tết, bánh gai còn là món ăn không thể thiếu dâng lên bàn thờ cúng ông bà tổ tiên. Bánh gai còn là món quà quê được gia chủ đem ra đãi khách trong ngày Tết, làm quà biếu thể hiện niềm tự hào quê hương của người làng Mía gửi đi nơi xa.
Leave a Reply