Khoai dẻo Quảng Bình níu hồn lữ khách đặc sản miền quê nắng gió
Công việc tiếp theo là đem những lát khoai đó phơi dưới nắng to từ 7 đến 10 ngày sao cho khô, dẻo, có màu nâu cánh dán, khi ăn có vị ngọt thanh và thơm nức mùi khoai.
Dải đất miền Trung Quảng Bình không chỉ nổi tiếng với vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng được UNESCO công nhận di sản thế giới mà còn là vùng đất mang trong mình nhiều đặc sản khiến du khách lưu luyến chẳng muốn về. Trong đó, không thể không nhắc tới món đặc sản khoai dẻo của Quảng Bình đã trở nức tiếng gần xa.
Đặc sản của miền nắng gió
Là mảnh đất quanh năm nắng gió khắc nghiệt, những củ sắn, củ khoai từ lâu đã trở thành người bạn đồng hành quen thuộc trong những bữa cơm gia đình người Quảng Bình thời khốn khó. Điều đặc biệt là khoai lang trồng trên đất cát ở đây có mùi vị rất đặc trưng, bùi và ngon ngọt hơn hẳn các vùng khác.
Để ngon miệng hơn, các món ăn từ khoai cũng được người dân mảnh đất tài hoa này chế biến vô cùng đa dạng: từ những cách đơn giản nhất như luộc, nấu canh, nấu chè cho tới những món phức tạp hơn một chút như làm bánh khoai, mứt khoai…Nhưng món ăn ngon nhất, độc đáo nhất và được khách đi du lịch yêu thích nhất chính là món đặc sản khoai dẻo Quảng Bình.
Khoai dẻo được chế biến rất đơn giản, nguyên liệu duy nhất là những củ khoai lang sống. Nói đơn giản là vậy nhưng không phải nơi đâu cũng chế biến ra được món khoai dẻo ngọt bùi như người Quảng Bình.
Đầu tiên phải nói đến công đoạn chọn khoai. Theo kinh nghiệm người dân Quảng Bình thì khoai dẻo tuyệt đối không được dùng những củ đã mọc mầm và cũng không nên dùng những củ khoai vừa mới được thu hoạch. Khoai để chế biến ra món đặc sản độc đáo này phải để một thời gian cho ráo nước, bề ngoài không còn căng mọng và màu sáng.
Những củ khoai phù hợp sẽ được rửa sạch rồi đem luộc chín. Khi khoai mềm mới xắt thành từng lát mỏng theo chiều dọc rồi lại đem đi phơi nắng. Lát khoai xắt ra phải được phơi cao ráo trên nền cát, dưới được lót bằng một lớp cây rười (một loài cây mọc trên vùng cát) thì mới không bị dính vào giá đỡ.
Công việc tiếp theo là đem những lát khoai đó phơi dưới nắng to từ 7 đến 10 ngày sao cho khô, dẻo, có màu nâu cánh dán, khi ăn có vị ngọt thanh và thơm nức mùi khoai.
Bạn đã biết thưởng thức khoai dẻo?
Những ai lần đầu ăn đặc sản khoai dẻo Quảng Bình đều chê nó “cứng gãy răng”. Nhưng đừng vội vứt đi, hãy thưởng thức chậm lại, cắn từ từ từng miếng nhỏ. Khi bắt đầu nhai, bạn sẽ thấy sự dẻo mềm cùng vị ngọt nhẹ, nhấm nháp từng chút một, bạn không chỉ nhận ra mùi thơm ngọt lịm của khoai mà còn có mùi thơm của nắng gió cùng hương vị thân thương của tình người đất Quảng Bình.
Ai đã từng nghiền café chắc chắn sẽ hiểu cảm giác này. Giống như khi thưởng thức café vậy, bạn không nên uống liền một chặp mà phải nhấm nháp từng chút một. Ban đầu sẽ thấy hơi đắng đắng, khi vị đắng tan ra mới cảm nhận được vị thơm ngọt ngào của café rồi “phải lòng” nó từ lúc nào không hay biết.
Bởi vậy, một lưu ý nho nhỏ là ăn khoai dẻo không được nóng vội. Bạn phải nhâm nhi từ từ từng chút một mới tận hưởng hết vị nắng gió, mùi khoai thuần chất và cái ngọt ngào của đất chắt chiu trong những miếng khoai “xấu mã”.
Cách thưởng thức đặc sản khoai dẻo Quảng Bình là như vậy đó. Không hề khoa trương khi nói người làm nên miếng khoai dẻo ngon là một nghệ nhân, người biết thưởng thức khoai dẻo là một nghệ sĩ. Đến Quảng Bình, mang khoai dẻo về làm quà là mang cả trời, cả tấm lòng mộc mạc nhưng chân thành của người dân mảnh đất nắng gió này theo cùng.
Ngày nay, cuộc sống bộn bề khiến những lát khoai dẻo dày thêm và có độ dẻo vừa phải. Như ai đó từng viết: “Khi đụng đầu lưỡi chỉ muốn nhai ngấu nghiến cho “bõ ghét”, vừa đụng phải chân răng đã dính chặt khó gỡ, lại nhai liên hồi đến sái quai hàm, ấy vậy mà ai cũng mê”.
Nếu nhắc tới Hà Nội, người ra sẽ nghĩ ngay tới món phở, đến Thành Phố Hồ Chí Minh phải thưởng thức hủ tiếu, bánh tráng trộn, cơm tấm, cơm sườn thì chắc chắn về Quảng Bình không thể không nhắc tới món khoai dẻo ngọt bùi.
Thưởng thức những lát khoai dẻo ngọt ngào bên ly trà nóng trong thời tiết lất phất mưa bay quả là thật tuyệt, đúng không?
Leave a Reply