Cam Sành sản vật Hà Giang
Cam sành Hà Giang dù có tiếng trên thị trường, nhưng người nông dân chưa áp dụng các quy trình kỹ thuật và đầu tư đúng mức, chưa xây dựng được mô hình khép kín từ sản xuất giống tới thâm canh, sử dụng nhãn hiệu hàng hóa, vì vậy giá trị sản phẩm trên thị trường không cao.
Tỉnh Hà Giang từng là “vựa cam” ở khu vực miền núi phía bắc. Với vị thơm, ngon đặc trưng, một thời cam sành Hà Giang luôn là lựa chọn số một của người tiêu dùng. Nhưng những năm gần đây, giống cây ăn quả truyền thống này bị thoái hóa, giảm cả về diện tích, chất lượng, chỗ đứng trên thị trường. Thực trạng đó đòi hỏi Hà Giang cần có các giải pháp, nhằm lấy lại vị thế của vùng cam truyền thống.
Cam sành là cây ăn quả có thế mạnh trong kinh tế nông nghiệp ở tỉnh Hà Giang. Một thời gian dài, cây cam sành phát triển mạnh về diện tích, năng suất, chất lượng, đem lại nguồn lợi kinh tế cao cho nông dân. Đỉnh điểm, năm 2005, diện tích cam trên địa bàn tỉnh đạt gần 5.000 ha với 3.200 ha cho thu hoạch, năng suất đạt 7,4 tấn/ha, sản lượng hơn 22.000 tấn, giá trị đạt hàng trăm tỷ đồng, chiếm hơn 50% giá trị sản phẩm cây ăn quả toàn tỉnh. Tuy nhiên, từ năm 2008 trở đi, cây cam sành có dấu hiệu thoái hóa, mất dần vị thế, chỗ đứng trên thị trường. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh Hà Giang, đến năm 2012, diện tích cam giảm còn 1.500 ha, trong đó có hơn 1.000 ha cho thu hoạch, năng suất trung bình tụt xuống 6 tấn/ha, sản lượng giảm còn khoảng 10.000 tấn so với năm 2005.
Anh Đặng Văn Dũng, thôn Thượng Cầu, xã Tiên Kiều, huyện Bắc Quang cho biết: “Gia đình tôi có gần 3 ha cam, bắt đầu thu hoạch từ năm 2004. Thời kỳ đỉnh cao, mỗi năm cho thu nhập khoảng hai trăm đến ba trăm triệu đồng. Tuy nhiên, từ năm 2009, do giá bán giảm sâu, phong trào trồng cam đi xuống, gia đình chán nản, bỏ mặc việc chăm sóc nên vườn cam không có quả”.
Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NN và PTNT tỉnh Hà Giang) Giang Đức Hiệp cho biết: Nguyên nhân khiến cây cam sành thoái hóa là già cỗi, nhiều diện tích bị chết do nhiễm bệnh Greening. Năng suất, chất lượng giảm do nguồn gốc giống trôi nổi, vườn cam manh mún, nhỏ lẻ, không theo quy hoạch, khó kiểm soát chất lượng. Cam sành Hà Giang dù có tiếng trên thị trường, nhưng người nông dân chưa áp dụng các quy trình kỹ thuật và đầu tư đúng mức, chưa xây dựng được mô hình khép kín từ sản xuất giống tới thâm canh, sử dụng nhãn hiệu hàng hóa, vì vậy giá trị sản phẩm trên thị trường không cao. Trước đây, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không rõ nguồn gốc, chưa đúng kỹ thuật, chưa bảo đảm thời gian cách ly đã tung ra thị trường dẫn tới tâm lý e dè của người tiêu dùng.
Khó khăn trong khôi phục vị thế vùng cam
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Minh Tiến cho biết: “Trước nguy cơ mất vùng cam truyền thống, tỉnh Hà Giang tổ chức nhiều cuộc họp, hội thảo khoa học, nhằm xác định nguyên nhân dẫn tới suy giảm diện tích. Từ đó, xây dựng, thực hiện dự án “Phát triển và nâng cao giá trị sản phẩm cam, quýt tỉnh Hà Giang đến năm 2020”. Đồng thời xác định, cây cam là một trong năm sản phẩm cây con chủ lực, để thực hiện mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh giai đoạn 2016-2020.
Xã Việt Hồng, huyện Bắc Quang, có hơn 200 ha cam, trong đó có 80 ha cho thu hoạch. Việc sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGap được triển khai từ năm 2013, với một tổ sản xuất gồm năm hộ dân. Ông Phan Văn Công, Tổ trưởng sản xuất cam VietGap cho biết: “Hiện nay, xã có 14 ha cam được trồng, chăm sóc theo quy trình VietGap, trong đó có 8 ha cho thu hoạch. Sản xuất cam theo quy trình kỹ thuật mới cho năng suất, sản lượng, giá trị hơn hẳn so với vùng cam thâm canh truyền thống, tuy nhiên không phải hộ nào cũng mạnh dạn đăng ký sản xuất cam VietGap, do vốn đầu tư lớn, quy trình chăm sóc khắt khe.
Khó khăn về vốn đầu tư trong sản xuất cam VietGap không chỉ là “rào cản” với người dân xã Việt Hồng mà là khó khăn chung ở hầu hết các địa phương của tỉnh Hà Giang. Thực tế trên được tỉnh Hà Giang tính đến, qua đó đã xây dựng và ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người nông dân, như: Hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay cho nhân dân thâm canh vườn cam theo tiêu chuẩn VietGap, với mức vay tối đa 50 triệu đồng/ha; hỗ trợ 100% giá trị cây giống, ngân sách nhà nước hỗ trợ 50% lãi suất trong vòng 12 tháng cho các hộ trồng mới vay vốn thâm canh, mức vay từ 36 đến 40 triệu đồng/ha…
Chính sách đã có, nhưng tâm lý chung của nhiều hộ là ngại vay, một số hộ muốn vay vốn lại gặp khó khăn vì tài sản thế chấp không được ngân hàng chấp nhận. Bên cạnh đó, việc sản xuất cam VietGap đòi hỏi quy trình kỹ thuật khắt khe, nhưng giá bán cam VietGap so với cam thường chưa có khác biệt rõ nét khiến người nông dân không hào hứng áp dụng quy trình sản xuất này. Từ thực tế này, trong những năm đầu triển khai chương trình phục hồi cây cam sành, tỉnh Hà Giang tập trung xây dựng một số mô hình điểm để người dân học tập. Đồng thời kéo dài lộ trình phục hồi vườn cam, nhằm giúp người dân từng bước thay đổi tư duy sản xuất và có thêm thời gian để tiếp cận các nguồn vốn vay được nhà nước hỗ trợ lãi suất từ ngân hàng.
Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Quang Nguyễn Hồng Tuyên cho biết: “Khó khăn nhất là thay đổi tư duy, tập quán canh tác truyền thống của bà con sang sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGap. Do đó, cùng với việc triển khai các chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, xây dựng các mô hình mẫu sản xuất cam VietGap cho nhân dân học tập. Ba năm trở lại đây, nhằm tăng diện tích, huyện quy hoạch vùng trồng cam tập trung và hỗ trợ giống cho nhân dân trồng mới, đến năm 2015, huyện đã có 3.100 ha. Từ nay đến năm 2020, huyện duy trì diện tích hiện có và tập trung triển khai sản xuất cam VietGap trên 100% diện tích đã có”.
Leave a Reply