Hương vị thơm ngon đậm đà bánh cuốn Thanh Trì Hà Nội
Ăn như thế ta lại cảm nhận được caí giòn của vỏ đậu và cái mềm của bên trong miếng đậu, rồi sự nóng và mát hoà lẫn nhau tạo ra một cảm giác thật dễ chịu.
Bánh cuốn Thanh Trì là món ăn đặc trưng của vùng nông thôn như nem chua Thanh Hóa của người xứ Thanh, nem chua Ớt Đỏ mong muốn rằng bạn đã từng thưởng thức qua, nếu không, hãy cùng chúng tôi khám phá nhé!
Từ Nam tới Bắc đất nước đâu đâu cũng có lúa gạo, có bánh cuốn, bánh tráng nhưng có lẽ bánh cuốn Thanh Trì – đặc sản của Hà Nội vẫn đặc sắc hơn cả: một món ăn bình dị, thân quen, không cao sang, cầu kỳ đối với mọi đối tượng thực khách, từ sang trọng cho đến tầng lớp bình dân.
“Thanh Trì có bánh cuốn ngon
Có gò Ngũ Nhạc có con sông Hồng”
Từ văn học ….
Nhà văn Thạch Lam từng viết về món Bánh cuốn Thanh Trì thế này: “Này đây mới là món quà chính tông: bánh cuốn ăn với chả lợn béo, hay với đậu rán nóng. Nhưng là Bánh cuốn Thanh Trì mỏng như tờ giấy và trong như lụa. Vị bánh thơm bột mịn và dẻo. Bánh chay thì thanh đạm, bánh mặn thì đậm vì chút mỡ hành”. Bánh cuốn Thanh Trì thân mỏng mềm mà không nát, vị thanh và mộc. Khi ăn người ta như cảm nhận được cả dư quê hương đang dào dạt trong từng miếng bánh.
Ăn Bánh cuốn Thanh Trì một lần rồi nhớ mãi cái vị ngon của nó, chẳng biết loại bánh này được làm từ bao giờ, nhưng từ lâu lắm rồi đã xuất hiện như một món quà đặc biệt. Thời kỳ trước cách mạng tháng Tám người ta đã thấy Bánh cuốn Thanh Trì đến với quần chúng nhân dân và trở thành một món ẩm thực độc đáo của Hà nội. Nhà văn Vũ Bằng đã ngây ngất cảm nhận món bánh cuốn như thế này: “Bánh thơm dìu dịu êm êm. Cầm một chiếc, dầm vào trong chén nước chấm rồi đưa lên miệng, ta sẽ thấy cả một sự tiết tấu nhịp nhàng của bánh thơm dịu hoà với nước chấm dịu hiền, không mặn quá, không chua quá mà cũng không cay quá”. Cái ngon của bánh cuốn nhẹ nhàng và dịu, chính vì vậy mà những người muốn ăn làm bữa chính họ thường ăn thêm với thịt quay ba chỉ, rồi có người lại điểm thêm vào đó mấy miếng đậu phụ rán, nóng đang bốc hơi. Ăn như thế ta lại cảm nhận được caí giòn của vỏ đậu và cái mềm của bên trong miếng đậu, rồi sự nóng và mát hoà lẫn nhau tạo ra một cảm giác thật dễ chịu.
Đi vào đời thực….
Bánh cuốn có mặt khắp nơi ở Việt Nam, từ làng quê cho tới thành thị tuy nhiên gọi là ngon và đặc sắc nhất thì phải nhắc tới bánh cuốn Thanh Trì, Hà Nội. Đây là một trong những nơi khởi sinh ra bánh cuốn và cũng là đặc sản của một làng cổ Thanh Trì, Thăng Long xưa (một huyện thuộc Hà Nội ngày nay).
Bánh cuốn Thanh Trì muốn ngon thì phải làm theo lối thủ công, dù không quá vất vả nhưng cũng có những bí kíp và công phu gia truyền. Gạo phải lựa mua loại gạo tẻ ngon, gạo không được dẻo quá thì bánh sẽ bị nát và cũng không được khô cứng quá bánh sẽ không dẻo thơm.
Gạo nhặt sạch sạn đem ngâm chừng vài ba tiếng rồi vo sạch, gạo được xay thành bột nước. Khi tráng thì người thợ múc lưng muôi bột, dàn đều trên khuôn vải (tấm vải bịt trên một cái nồi to có hở một lỗ hổng cho hơi bay lên), rồi đậy nắp vung lại.
Đợi một vài giây, mở nắp vung ra, màu bánh chuyển từ màu trắng đục sang màu trắng trong, mặt bánh phồng lên tức là bánh đã chín, lấy que tre xọc ngang, nguyên một tờ gạo mong manh được nhắc ra, quét một tý mỡ hành cho bóng bẩy rồi gấp hoặc cuộn lại.
Trong quá trình tráng bánh, người thợ phải biết độ dày mỏng mà làm, bánh tráng không được dày quá, bột xay không được nồng quá, hoặc hành mỡ gia thô quá khiến bánh cuốn mất đi cái ngon đặc trưng của bánh cuốn Thanh Trì.
Bánh cuốn Thanh Trì đặc biệt ở chỗ tráng mỏng, trong quá trình tráng bánh có điểm xuyết thêm màu đen của mộc nhĩ băm nhỏ, bên ngoài lại có thêm hành mỡ thoa vào mướt mặt mà khi ăn thì thấy thanh nhẹ của vị gạo. Bánh tráng sẽ được xếp thành những lớp hình bậc thang cho người bán dễ bóc bánh.
Mỗi lớp bánh mỏng tang như lá lúa được xếp chồng lên nhau, người bán bánh cũng trở tuyệt kĩ trong việc bóc từng lớp bánh mỏng mảnh mà không bị rách nát rồi cuộn, gấp lại một cách cẩn thận, đẹp đẽ từng miếng trắng phau phau.
Bánh cuốn Thanh Trì ngọt mát của hương lúa gạo nhưng thơm ngậy cũng nhờ vào phần hành mỡ. Đây là thứ vị quan trọng làm nên hương vị của bánh cuốn.
Hành phải chọn là hành ta trồng, đem thái lát mỏng và phi vàng với mỡ lợn thì hành mới tỏa mùi thơm. Mỡ lợn phải cho ngập hành đã phi vàng để quét lên mặt bánh.
Miếng bánh trắng khiết, mềm mại thêm lớp hành mỡ vàng óng, mướt mặt bánh nhìn ngon vô cùng khiến người ăn tưởng như không nỡ bỏ vào miệng thưởng thức cái mùi vị dìu dịu, êm êm mà cũng thật nồng nàn, ngầy ngậy của mỡ hành.
Trước đây, người Hà Nội thường ăn bánh cuốn với đậu làng Mơ rán dòn, nhưng giờ đây bánh cuốn thường được ăn với giò chả của vùng Ước Lễ – Hà Tây. Chả quế Ước Lễ vừa ngon, ngọt, thơm mùi quế đặc trưng rất hấp dẫn. Chả quế thơm hương vị quế rừng, hương vị thịt nướng thuở hoang sơ, giò lụa thoáng hương chuối quê đồng nội. Ăn miếng chả quế dậy mùi thơm thịt nướng, hương vị cay hấp dẫn của quế chi, ngọt của mật ong, phảng phất mùi thơm quí phái.
Không cao sang, cầu kỳ, bánh cuốn là một món ăn bình dị, thân quen đối với mọi đối tượng thực khách, từ sang trọng cho đến tầng lớp bình dân. Có thể vì thế mà những người Hà Nội đi xa hay những người từ xa tới với Hà Nội đều có chung một nhận xét rằng : Hà Nội có rất nhiều món ăn ngon và một trong những món ăn để lại niềm thương, nỗi nhớ đó là bánh cuốn.
Leave a Reply