Rượu thóc thức uống cổ truyền của người dân vùng Mù Cang Chải
“Muốn có được loại rượu thành phẩm ngon thì ngoài việc lựa chọn được loại thóc nương ngon (nguyên liệu chính để nấu rượu) còn phải có thêm một số các nguyên liệu không thể thiếu khác là men lá gia truyền và nước nguồn tinh khiết lấy từ trong các khe núi đá mang về”.
Từ thị trấn Mù Cang Chải, ngược những con dốc dài, men theo những con đường nhỏ uốn lượn quanh co ngang chừng núi, chúng tôi tìm về xã La Pán Tẩn – một trong những địa danh đã được xếp hạng danh thắng quốc gia về ruộng bậc thang vừa để chiêm ngưỡng cảnh đẹp thiên nhiên, vừa để thưởng thức một loại rượu thơm ngon có tiếng của đồng bào dân tộc Mông nơi đây- đặc sản rượu thóc.
Theo các già làng người Mông xã La Pán Tẩn kể lại, thì từ lâu lắm rồi đã thấy người Mông làm thứ rượu thóc quý này. Một loại rượu không chỉ đơn thuần là thứ đồ uống phục vụ trong sinh hoạt văn hoá ẩm thực của đồng bào mà còn là sản vật để dâng cúng tổ tiên, trời đất và tiếp khách quý từ xa đến chơi. Người Mông xã La Pán Tẩn có câu hát:
“…Có tiền cùng tiêu
Có thịt cùng ăn
Có rượu cùng đổ”
Thậm chí:
“…Gặp người là gặp bạn
Gặp bạn là gặp rượu
Gặp rượu mới là gặp nhau”
Với đồng bào dân tộc Mông, rượu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống hàng ngày như vậy nên để làm ra được thứ rượu thóc thơm ngon này, bà con nơi đây đã phải rất cầu kỳ, cẩn thận từ việc chọn nguyên liệu đến khâu chế xuất. Chị Giàng A Dê – một phụ nữ người Mông xã La Pán Tẩn đã có nhiều kinh nghiệm trong việc nấu rượu thóc cho hay: “Muốn có được loại rượu thành phẩm ngon thì ngoài việc lựa chọn được loại thóc nương ngon (nguyên liệu chính để nấu rượu) còn phải có thêm một số các nguyên liệu không thể thiếu khác là men lá gia truyền và nước nguồn tinh khiết lấy từ trong các khe núi đá mang về”.
Hiện tại, quá trình sản xuất rượu thóc của người Mông xã La Pán Tẩn vẫn hoàn toàn tuân thủ theo phương pháp cổ truyền. Tức là, thóc nương sau khi được làm sạch sẽ không xát mà để nguyên vỏ trấu cho vào chảo gang luộc trên bếp lửa từ 2 đến 3 giờ đồng hồ. Khi thóc đã chín sẽ được múc ra cho nguội hẳn rồi rắc men lá trộn đều bỏ vào các thùng. Khoảng hai ba ngày sau, khi các thứ trong thùng chứa bắt đầu lên men thì lại tiếp tục công đoạn ủ từ 7 đến 8 ngày rồi mới cho vào chưng cất thành rượu.
Cách chưng cất rượu thóc của người Mông nơi đây gần giống với cách chưng cất rượu gạo của người miền xuôi nhưng điểm khác biệt là ở các dụng cụ để chưng cất. Thông thường, người Mông La Pán Tẩn sẽ đặt một chiếc chảo gang có nước lên trên bếp, rồi để một cái chu chớ (giống như cái chõ đồ được đục từ gốc cây gỗ lớn) có đường kính từ 70 – 80cm và chiều cao gần 1 mét lên bên trên chiếc chảo, xung quanh viền bịt kín bằng cám để kín hơi.
Bên trong cái chu chớ tiếp tục đặt một cái chá chớ (bằng gỗ) đẽo theo hình cái máng dài thuôn nhỏ một đầu dùng để dẫn rượu ra ngoài. Sau khi mọi thứ đã được chuẩn bị xong và lửa trong bếp cũng đã được nổi lên, ông chủ nhà sẽ làm nốt công việc cuối cùng là đặt một cái chảo gang có chứa nước lạnh lên trên cái chu chớ (mục đích để ngưng rượu) rồi cầu khấn trước nồi rượu mong cho được mẻ rượu ngon.
Đến nay, chính nhờ có hương vị thơm nồng men lúa, trong suốt, uống vào không gây sốc đã giúp thương hiệu của loại rượu này ngày càng được nhiều người trong và ngoài tỉnh biết đến. Còn gì thú vị hơn nếu một lần được đến với non cao La Pán Tẩn quanh năm mây phủ, được ngồi bên bếp lửa hồng của người Mông và nhâm nhi thứ rượu đặc sản này, bạn sẽ cảm nhận được phần nào nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa mang đậm tính dân tộc của người Mông.
Leave a Reply